Chẳng giống với canh chua miền Trung hay miền Bắc, canh chua Nam Bộ có cái hương vị riêng vừa ngọt vừa chua đậm đà. Bất cứ thứ lá, thứ quả nào có vị chua cũng được bà nội trợ Nam Bộ cho vào món canh chua của mình từ lá me non đến trái me chín, từ trái chanh to đến quả tắc nhỏ rồi nào bần chín, khế tây hay trái giác…tất cả đều hợp vị.
Tùy theo mùa mà về Nam bộ bạn lại được thưởng thức một món canh chua khác nhau, nhất là mùa nước nổi tháng 9 tháng 10 âm lịch, cá linh theo con nước lũ về cũng là lúc điên điển, so đũa trổ bông. Lúc này bông so đũa, điên điển đầu mùa rất ngọt, cá linh thì no tròn, béo ngậy.
Nếu là tháng 6 tháng 7, bạn cũng đừng lo, mùa này là con nước tép bạc. Tép bạc đất mà nấu canh chua bạc hà, giá, đậu bắp thì còn gì ngon bằng. Mùa hè me thay lá, trên cành xanh mướt lá non, ai mà nhanh tay tuốt vài nhánh lá mang về nấu với lươn hay cá chốt thì tuyệt cú mèo. Đất Nam bộ cũng là đất lắm cá tôm, buổi chiều xách cây cần câu ra cắm ở đầu mương nào có tiếng cá quẫy, sáng ra được ngay một anh trê hay lóc tươi rói, bứt trong vườn vài ngọn rau nhút, rau muống hay nhổ vài cọng bông súng, bông lục bình thì coi như hôm đó được một bữa canh chua nóng sốt, đậm đà hương vị đồng quê. Một ngày mưa không đi chợ, trong nhà có chút cá khô mà nấu cùng bắp chuối (hoa chuối) bẻ trong vườn nhà thì cũng được một bữa ấm bụng.
Người Nam bộ không ăn uống cầu kỳ nhưng có những món bắt buộc phải nêm đúng gia vị của nó thì món ăn khi hoàn thành mới nổi bật đúng giá trị. Ví như canh chua giá, bạc hà, đậu bắp thì ngoài rau quế, ngò gai cần phải nêm thêm vài lá tần dày lá thì tô canh chua có giá lên hẳn, hay canh chua bắp chuối với cá khô thì phải nêm thêm rau om và tí ớt.